Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

Khơi trong mạch nguồn văn hóa thuần Việt



BÀI BÁO TẾT QUÝ TỴ -2013:

VẺ ĐẸP NGHỆ THUẬT HÁT CHẦU VĂN TRONG TÍN NGƯỠNG
THỜ MẪU

Khơi trong mạch nguồn văn hóa thuần Việt

·        THẾ KHOA

   Qua nhiều nghiên cứu lịch sử đã chứng minh, thành phố Hải Phòng được coi là một trong những cái nôi phát tích của tín ngưỡng đạo Mẫu Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm, biến thiên của lịch sử, những người tâm huyết với văn hóa tín ngưỡng đạo Mẫu nói chung, nghệ thuật hát chầu văn nói riêng luôn dành nhiều tâm huyết, tha thiết tìm về cốt lõi khởi nguyên và vẻ đẹp muôn thủa của văn hóa tâm linh, để  từ đó biết gạn đục, khơi trong, chắt chiu các yếu tố mang đậm bản sắc văn hóa thuần Việt, để kế thừa và gìn giữ cho muôn đời sau…

Đạo mẫu - tín ngưỡng thuần Việt

   Từ thủa hồng hoang, khai sơn phá thạch, vượt qua giai đoạn đầu gắn với thời nguyên thuỷ, lúc đó, người Việt cũng như nhiều cư dân trên thế giới còn thờ các thế lực tự nhiên (mây, mưa, sấm, chớp...), sùng tín bái vật giáo (thần cây cối, con vật thành tinh...), khi bước vào giai đoạn thờ thần linh nhân dạng, một đối tượng đáng quan tâm nhất là các bà mẹ quyền năng: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải (bà Thuỷ), Mẫu Địa (Mẹ Đất), Mẹ Lúa, Bà mẹ xứ sở - Âu Cơ...Đây là cơ sở xã hội để hình thành nên tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu hay còn gọi là Đạo Mẫu sau này.
       Trong đời sống tâm linh của người Hải Phòng, nữ tướng Lê Chân đã hiển Thánh, vượt qua tín niệm "Trống làng nào làng nấy đánh, Thánh làng nào làng nấy thờ", từ vị trí thành hoàng làng An Biên đã trở thành vị Thánh Mẫu bảo hộ cho cả vùng đô thị Hải Phòng rộng lớn. Để rồi Thánh Mẫu Lê Chân đi vào thẳm sâu của tâm hồn tín ngưỡng của người Hải Phòng, đánh dấu quyền năng ở mọi lĩnh vực đời sống của nhân dân. Nhiều người kể lại rằng, các lão trượng ở vùng Giát Dâu (Kim Bảng - Hà Nam) cho biết ở đền Lạt Sơn xưa kia có tượng Thánh Mẫu Lê Chân (tượng nhỏ, bằng đồng) dưới dạng một nhà sư - ở bên phải, dạng chân thân Thánh Mẫu - ở giữa và dạng chúa mang hình thức đạo sĩ/tiên nhân - ở bên trái. Ở vùng Lạt Sơn - Kim Bảng, lễ hội hầu Thánh Mẫu Lê Chân dường như được đồng nhất với nghi lễ "mở cửa rừng" truyền thống – phải chăng có nghĩa là bà Lê Chân đã mang tư cách của Mẫu Thượng Ngàn ? Vậy nên, từ xưa đến nay việc chủ trì các nghi lễ thờ nữ tướng Lê Chân ở đền Lạt Sơn đều do các thanh đồng đảm nhiệm và hành động hội chủ lưu là diễn xướng dân gian "hầu đồng", "hầu bóng"…
    Theo nhà sử học sử học Ngô Đăng Lợi thì Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã dựa vào tín ngưỡng Tứ Phủ của cư dân miền đất Hải Phòng ngày nay, mà điển hình là tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thượng Đoạn (Hải An), trong giai đoạn thân phụ của bà mở trường dạy chữ Nho ở làng Lạc Viên xưa, rồi ở Dương Quan (Thủy Nguyên), ở Đồ Sơn... để viết tác phẩm "Vân Cát Thần nữ" nổi tiếng.

Nghệ thuật chầu văn trong mạch nguồn văn hóa dân tộc

   Vượt qua nhiều định kiến của lịch sử, giờ đây, tín ngưỡng thờ Mẫu, gắn liền với nghệ thuật diễn xướng chầu văn đã trở thành một nét văn hóa độc đáo thuần Việt, được nâng niu, trân trọng gìn giữ. Theo ông Tô Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội Liên hiệp VH-NT Hải Phòng, hát chầu văn từ lâu đã song hành cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu và các lễ hội cổ truyền ở khắp các đền phủ thờ Mẫu, thờ đức Thánh Trần, các vị Quan Hoàng, các vị Chầu Bà… Từ cái nền tín ngưỡng thuần Việt ấy, các làn điệu hát chầu văn phát triển và lan toả đi muôn nơi, trở thành vốn quý của văn hoá dân gian vùng đồng bằng sông Hồng. Với mấy chục làn điệu hát văn như: Xá thượng, Phú, Cờn, Dọc, Mưỡu…cùng cây đàn nguyệt, xanh pan và phách…hoà quyện với tiết tấu lúc nhặt, lúc khoan, lúc trầm, lúc bổng tạo nên một hình thức âm nhạc đượm chất thần tiên. Với văn tế suy tôn công đức của Chúa Liễu, Đức Thánh Trần, Quan lớn Hoàng Mười, Cô Chín Sòng Sơn, Quan lớn Tuần Chanh…cùng với vũ điệu mang đậm yếu tố tâm linh và trang phục vàng son lộng lẫy, cùng với lộc thánh đầy sự hoà phóng đã tạo nên một sắc thái riêng biệt và đậm chất linh thiêng. Nối tiếp truyền thống ấy, hát chầu văn luôn là món ăn tinh thần của người Hải Phòng nói riêng và của cư dân đồng bằng Bắc Bộ nói chung, những làn điệu này còn được đặt lời mới (thơ lục bát) cho phù hợp với nội dung của từng địa phương, từng hoàn cảnh, trở thành tiết mục nghệ thuật được biểu diễn sâu rộng trong nhân dân.


   Năm 2012 vừa qua, Liên hoan diễn xướng chầu văn mở rộng lần thứ 3 đã được Hội văn nghệ dân gian Hải Phòng phối hợp với CLB Bảo tồn văn hóa đạo Mẫu Việt Nam tổ chức tại Phủ Thượng Đoạn (phường Đông Hải 1, quận Hải An) là một điểm nhấn trong chuỗi hoạt động tôn vinh vẻ đẹp của nghệ thuật chầu văn. Liên hoan được tổ chức không chỉ làm dạng danh văn hóa đạo Mẫu, tôn vinh những danh nhân lịch sử, có công trạng với dân, với nước mà thông qua đó còn góp phần sưu tầm, tập hợp tư liệu để khi có điều kiện, sẽ lập hồ sơ trình Unesco công nhận nghệ thuật hát chầu văn là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Liên hoan có sự tham dự của ông Phạm Từ, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Bảo tồn văn hóa đạo Mẫu; Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó cục trưởng Cục di sản, Bộ VH-TT-DL; bà Trần Thị Thanh Mai, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL thành phố. 15 thanh đồng tiêu biểu đến từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Bình, Nam Định và Hải Phòng cùng ban cung văn bắc ghế hầu thánh ở các giá chầu đồng quen thuộc như: 3 giá chầu đồng (giá Quan lớn đệ tam, giá Chầu bé Bắc Lệ, giá Cô Sáu lục cung), giá Cô đôi thượng ngàn, giá Cô bé thượng ngàn… Các thanh đồng trong áo quần bắt mắt, môi son, mặt hoa da phấn uyển chuyển biến hóa trong tiếng đàn nguyệt réo rắt, tiếng trống ban, xanh phách, thanh la… như “thôi miên” khán giả, đưa họ vào thế giới tâm linh đầy siêu phàm . Nhiều thanh đồng hầu bóng được khán giả yêu thích như:  đồng thầy Phạm Văn Giao (Hải Phòng), Vũ Văn Hoàn (Nam Định), Tạ Bích Lộc (Lạng Sơn), Nguyễn Đình Hải (Hà Nội), từng đoạt nhiều huy chương vàng tại các liên hoan diễn xướng chầu văn toàn quốc. Đặc biệt, thanh đồng Lý Việt Trung chỉ mới 7 tuổi, đến từ phường Minh Dương, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã gây ngạc nhiên, thích thú cho người xem khi biểu diễn 4 giá đồng trong tiếng đàn nguyệt điêu luyện của cung văn Nguyễn Văn Tuynh (Thái Bình). Điều đáng nói, trong liên hoan, các thanh đồng không được truyền phán, không làm tà thuật (xiên lình, rạch lưỡi, nuốt kim…), cũng không “phát lộc” bằng cách tung tiền, không quay đáy vào Ban thờ Phật Thánh (gọi là khê đồng). Thanh đồng bắc ghế hầu Thánh phải thực hiện được chức năng: đồng tâm – đồng lực – đồng lòng, qua đó toát lên sự cung nghinh tiên thánh trong thế uy nghi – đoan trang – cốt cách – thanh tân! Ông Hồ Đức Thọ, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở Nam Định cho biết: chầu văn mang giá trị nghệ thuật đặc sắc với nền âm nhạc tiết tấu nhanh, thanh đồng biểu diễn có trang phục đẹp (thường là thay đổi từ 6 đến 10 bộ quần áo), đạo cụ đa sắc, lộng lẫy, diêm dúa, có thể biểu diễn không chỉ ở sân đình cửa thánh mà còn thể hiện được ở nhiều sân khấu khác nhau, từ hàn lâm tới quảng đại quần chúng.


Mới đây, tại cuộc làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng về công tác phối hợp chuẩn bị cho Năm du lịc quốc gia đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013, ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đánh giá cao và trân trọng mời Đoàn thanh đồng Hải Phòng tham gia Liên hoan diễn xướng chầu văn năm 2013 sẽ được tổ chức tại Vĩnh Phúc, coi đó là sự bảo đảm chắc chắn cho chất lượng và thành công của liên hoan tới.
   Khôi phục, kế thừa và phát huy giá trị lịch sử và nghệ thuật của loại hình diễn xướng chầu văn chính là gìn giữ một tài sản văn hóa vô giá của dân tộc, là việc “dọn dẹp ngôi nhà Mẫu linh thiêng trong văn hóa Việt”, giữ lại hồn cốt, nhân cách Việt cho các thế hệ tương lai. Đó là việc làm cần thiết và cấp bách – GS.TS Ngô Đức Thịnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa, Giám đốc trung tâm bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam chia sẻ.


­­­­­­­­­­­­____________________________________________________________ 

1 nhận xét:

  1. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, dân tộc Việt luôn ghi nhớ công ơn, chiêm ngưỡng và thờ phụng những con người đã từng cứu giúp, nuôi dưỡng, nhằm phát triển cộng đồng, vì cộng đồng. Khi qua đời, những dư âm đó, lối sống đó tồn tại mãi trong lòng người các tế hệ sau, từ đấy họ lập nên miếu đền để thờ phụng người quá cố và mong cầu được giúp đỡ như lúc sinh thời
    Việc hưng lập Đạo Mẫu bắt nguồn từ thời hồng hoang, con người luôn bị các thế lực đàn áp tiêu diệt, lúc đó với nhận thức trực quan người phụ nữ mới tạo ra được con người tiếp theo, tạo thêm đông, duy trì nòi giống... Chính vì vậy đã hình thành chế độ "mẫu hệ" và nhớ đến ơn trọng đó đã đưa đến việc thờ Mẫu. Về sâu xa nhất là Mẹ Địa Mẫu hay Mẹ Diêu Trì,Mẹ Đất là một. Từ đấy dẫn dắt quan điểm thờ phụng những con người đã có công trạng trong việc vì cộng đồng (nói cách khác là vì dân vì nước trong kho tàng sử Việt và văn hoá dân tộc ta thấy rất rõ: Con cháu thờ ông bà cha mẹ quá vãng, đình đền miếu mạo thờ những người có công, người khai sáng. Nhưng với sự nghiêm khác cảu phái nam và những mong cầu quyền uy thế lực, đã đùn đẩy tình cảm của con người sang về phía mgười mẹ, người phụ nữ. Nên việc hưng lập Đạo Mẫu ở miền Bắc Việt là điều dễ hiểu. Ngoài ra, các triều đại còn tôn vinh những anh hùng dân tộc để người dân luôn nhớ những tấm gương anh hùng và những con người dầy công đó là nét văn hóa đăc thù của dân tộc việt...
    Vài hàng cùng bạn với nhận thức chủ quan cá nhân, có gì sai trái mong miển thứ !

    Trả lờiXóa