Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

Khơi trong mạch nguồn văn hóa thuần Việt



BÀI BÁO TẾT QUÝ TỴ -2013:

VẺ ĐẸP NGHỆ THUẬT HÁT CHẦU VĂN TRONG TÍN NGƯỠNG
THỜ MẪU

Khơi trong mạch nguồn văn hóa thuần Việt

·        THẾ KHOA

   Qua nhiều nghiên cứu lịch sử đã chứng minh, thành phố Hải Phòng được coi là một trong những cái nôi phát tích của tín ngưỡng đạo Mẫu Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm, biến thiên của lịch sử, những người tâm huyết với văn hóa tín ngưỡng đạo Mẫu nói chung, nghệ thuật hát chầu văn nói riêng luôn dành nhiều tâm huyết, tha thiết tìm về cốt lõi khởi nguyên và vẻ đẹp muôn thủa của văn hóa tâm linh, để  từ đó biết gạn đục, khơi trong, chắt chiu các yếu tố mang đậm bản sắc văn hóa thuần Việt, để kế thừa và gìn giữ cho muôn đời sau…

Đạo mẫu - tín ngưỡng thuần Việt

   Từ thủa hồng hoang, khai sơn phá thạch, vượt qua giai đoạn đầu gắn với thời nguyên thuỷ, lúc đó, người Việt cũng như nhiều cư dân trên thế giới còn thờ các thế lực tự nhiên (mây, mưa, sấm, chớp...), sùng tín bái vật giáo (thần cây cối, con vật thành tinh...), khi bước vào giai đoạn thờ thần linh nhân dạng, một đối tượng đáng quan tâm nhất là các bà mẹ quyền năng: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải (bà Thuỷ), Mẫu Địa (Mẹ Đất), Mẹ Lúa, Bà mẹ xứ sở - Âu Cơ...Đây là cơ sở xã hội để hình thành nên tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu hay còn gọi là Đạo Mẫu sau này.
       Trong đời sống tâm linh của người Hải Phòng, nữ tướng Lê Chân đã hiển Thánh, vượt qua tín niệm "Trống làng nào làng nấy đánh, Thánh làng nào làng nấy thờ", từ vị trí thành hoàng làng An Biên đã trở thành vị Thánh Mẫu bảo hộ cho cả vùng đô thị Hải Phòng rộng lớn. Để rồi Thánh Mẫu Lê Chân đi vào thẳm sâu của tâm hồn tín ngưỡng của người Hải Phòng, đánh dấu quyền năng ở mọi lĩnh vực đời sống của nhân dân. Nhiều người kể lại rằng, các lão trượng ở vùng Giát Dâu (Kim Bảng - Hà Nam) cho biết ở đền Lạt Sơn xưa kia có tượng Thánh Mẫu Lê Chân (tượng nhỏ, bằng đồng) dưới dạng một nhà sư - ở bên phải, dạng chân thân Thánh Mẫu - ở giữa và dạng chúa mang hình thức đạo sĩ/tiên nhân - ở bên trái. Ở vùng Lạt Sơn - Kim Bảng, lễ hội hầu Thánh Mẫu Lê Chân dường như được đồng nhất với nghi lễ "mở cửa rừng" truyền thống – phải chăng có nghĩa là bà Lê Chân đã mang tư cách của Mẫu Thượng Ngàn ? Vậy nên, từ xưa đến nay việc chủ trì các nghi lễ thờ nữ tướng Lê Chân ở đền Lạt Sơn đều do các thanh đồng đảm nhiệm và hành động hội chủ lưu là diễn xướng dân gian "hầu đồng", "hầu bóng"…
    Theo nhà sử học sử học Ngô Đăng Lợi thì Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã dựa vào tín ngưỡng Tứ Phủ của cư dân miền đất Hải Phòng ngày nay, mà điển hình là tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thượng Đoạn (Hải An), trong giai đoạn thân phụ của bà mở trường dạy chữ Nho ở làng Lạc Viên xưa, rồi ở Dương Quan (Thủy Nguyên), ở Đồ Sơn... để viết tác phẩm "Vân Cát Thần nữ" nổi tiếng.

Nghệ thuật chầu văn trong mạch nguồn văn hóa dân tộc

   Vượt qua nhiều định kiến của lịch sử, giờ đây, tín ngưỡng thờ Mẫu, gắn liền với nghệ thuật diễn xướng chầu văn đã trở thành một nét văn hóa độc đáo thuần Việt, được nâng niu, trân trọng gìn giữ. Theo ông Tô Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội Liên hiệp VH-NT Hải Phòng, hát chầu văn từ lâu đã song hành cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu và các lễ hội cổ truyền ở khắp các đền phủ thờ Mẫu, thờ đức Thánh Trần, các vị Quan Hoàng, các vị Chầu Bà… Từ cái nền tín ngưỡng thuần Việt ấy, các làn điệu hát chầu văn phát triển và lan toả đi muôn nơi, trở thành vốn quý của văn hoá dân gian vùng đồng bằng sông Hồng. Với mấy chục làn điệu hát văn như: Xá thượng, Phú, Cờn, Dọc, Mưỡu…cùng cây đàn nguyệt, xanh pan và phách…hoà quyện với tiết tấu lúc nhặt, lúc khoan, lúc trầm, lúc bổng tạo nên một hình thức âm nhạc đượm chất thần tiên. Với văn tế suy tôn công đức của Chúa Liễu, Đức Thánh Trần, Quan lớn Hoàng Mười, Cô Chín Sòng Sơn, Quan lớn Tuần Chanh…cùng với vũ điệu mang đậm yếu tố tâm linh và trang phục vàng son lộng lẫy, cùng với lộc thánh đầy sự hoà phóng đã tạo nên một sắc thái riêng biệt và đậm chất linh thiêng. Nối tiếp truyền thống ấy, hát chầu văn luôn là món ăn tinh thần của người Hải Phòng nói riêng và của cư dân đồng bằng Bắc Bộ nói chung, những làn điệu này còn được đặt lời mới (thơ lục bát) cho phù hợp với nội dung của từng địa phương, từng hoàn cảnh, trở thành tiết mục nghệ thuật được biểu diễn sâu rộng trong nhân dân.


   Năm 2012 vừa qua, Liên hoan diễn xướng chầu văn mở rộng lần thứ 3 đã được Hội văn nghệ dân gian Hải Phòng phối hợp với CLB Bảo tồn văn hóa đạo Mẫu Việt Nam tổ chức tại Phủ Thượng Đoạn (phường Đông Hải 1, quận Hải An) là một điểm nhấn trong chuỗi hoạt động tôn vinh vẻ đẹp của nghệ thuật chầu văn. Liên hoan được tổ chức không chỉ làm dạng danh văn hóa đạo Mẫu, tôn vinh những danh nhân lịch sử, có công trạng với dân, với nước mà thông qua đó còn góp phần sưu tầm, tập hợp tư liệu để khi có điều kiện, sẽ lập hồ sơ trình Unesco công nhận nghệ thuật hát chầu văn là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Liên hoan có sự tham dự của ông Phạm Từ, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Bảo tồn văn hóa đạo Mẫu; Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó cục trưởng Cục di sản, Bộ VH-TT-DL; bà Trần Thị Thanh Mai, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL thành phố. 15 thanh đồng tiêu biểu đến từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Bình, Nam Định và Hải Phòng cùng ban cung văn bắc ghế hầu thánh ở các giá chầu đồng quen thuộc như: 3 giá chầu đồng (giá Quan lớn đệ tam, giá Chầu bé Bắc Lệ, giá Cô Sáu lục cung), giá Cô đôi thượng ngàn, giá Cô bé thượng ngàn… Các thanh đồng trong áo quần bắt mắt, môi son, mặt hoa da phấn uyển chuyển biến hóa trong tiếng đàn nguyệt réo rắt, tiếng trống ban, xanh phách, thanh la… như “thôi miên” khán giả, đưa họ vào thế giới tâm linh đầy siêu phàm . Nhiều thanh đồng hầu bóng được khán giả yêu thích như:  đồng thầy Phạm Văn Giao (Hải Phòng), Vũ Văn Hoàn (Nam Định), Tạ Bích Lộc (Lạng Sơn), Nguyễn Đình Hải (Hà Nội), từng đoạt nhiều huy chương vàng tại các liên hoan diễn xướng chầu văn toàn quốc. Đặc biệt, thanh đồng Lý Việt Trung chỉ mới 7 tuổi, đến từ phường Minh Dương, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã gây ngạc nhiên, thích thú cho người xem khi biểu diễn 4 giá đồng trong tiếng đàn nguyệt điêu luyện của cung văn Nguyễn Văn Tuynh (Thái Bình). Điều đáng nói, trong liên hoan, các thanh đồng không được truyền phán, không làm tà thuật (xiên lình, rạch lưỡi, nuốt kim…), cũng không “phát lộc” bằng cách tung tiền, không quay đáy vào Ban thờ Phật Thánh (gọi là khê đồng). Thanh đồng bắc ghế hầu Thánh phải thực hiện được chức năng: đồng tâm – đồng lực – đồng lòng, qua đó toát lên sự cung nghinh tiên thánh trong thế uy nghi – đoan trang – cốt cách – thanh tân! Ông Hồ Đức Thọ, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở Nam Định cho biết: chầu văn mang giá trị nghệ thuật đặc sắc với nền âm nhạc tiết tấu nhanh, thanh đồng biểu diễn có trang phục đẹp (thường là thay đổi từ 6 đến 10 bộ quần áo), đạo cụ đa sắc, lộng lẫy, diêm dúa, có thể biểu diễn không chỉ ở sân đình cửa thánh mà còn thể hiện được ở nhiều sân khấu khác nhau, từ hàn lâm tới quảng đại quần chúng.


Mới đây, tại cuộc làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng về công tác phối hợp chuẩn bị cho Năm du lịc quốc gia đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013, ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đánh giá cao và trân trọng mời Đoàn thanh đồng Hải Phòng tham gia Liên hoan diễn xướng chầu văn năm 2013 sẽ được tổ chức tại Vĩnh Phúc, coi đó là sự bảo đảm chắc chắn cho chất lượng và thành công của liên hoan tới.
   Khôi phục, kế thừa và phát huy giá trị lịch sử và nghệ thuật của loại hình diễn xướng chầu văn chính là gìn giữ một tài sản văn hóa vô giá của dân tộc, là việc “dọn dẹp ngôi nhà Mẫu linh thiêng trong văn hóa Việt”, giữ lại hồn cốt, nhân cách Việt cho các thế hệ tương lai. Đó là việc làm cần thiết và cấp bách – GS.TS Ngô Đức Thịnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa, Giám đốc trung tâm bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam chia sẻ.


­­­­­­­­­­­­____________________________________________________________ 

Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

Tết ở chợ Tết


Những ngày giáp Tết nguyên đán Qúy Tỵ - 2013, người dân thành phố Cảng lại tất bật cho những lo toan ngày tết. Năm nay, chợ tết không họp ở Dải vườn hoa trung tâm như mọi năm mà được di dời xuống khu vực Ngã Năm, thuộc tuyến đường Lê Hồng Phong, một trong những con đường đẹp nhất Hải Phòng.

Người đàn ông này đẩy chiếc xe thồ, chiếc xe có từ thời... Điện Biên Phủ để chở những buồng dừa tươi xanh đi bán vào dịp tết. Năm nay, kinh tế có phần khó khăn, cộng với vị trí chợ hoa xuân rộng rãi khiến cho lượng người đi chợ tham quan, sắm tết không đông chật như năm ngoái.


Đào đá từ miền sơn cước về với phố biển cùng với những tay "lái đào", kiên cường bám trụ trên vỉa hè đã nhiều ngày qua, nhưng lượng đào bán "được giá" không nhiều như kỳ vọng. Cũng vì kinh tế khó khăn và một phần cũng do thời tiết ấm lên quá sớm, đào nở rộ, người mua đào e hoa tàn sớm.


Những cuộc mặc cả, ngã giá giữa người bán và người mua tưởng chừng như không bao giờ dứt


Cặp đào đá "Long - Phụng sum vầy", đáng giá trăm triệu, bày trước cửa Khách sạn 4 sao Sao Biển gây ồn ào báo chí suốt mấy ngày trước cũng đã được một khách sành chơi "khênh" đi, với một mức giá "không được tiết lộ",he,he...

 Dù muốn hay không, cứ xuân đến là hoa đào khoe sắc


Các loại hoa cảnh chen nhau đua sắc, chờ khách đến rước về cho ngày xuân thêm vui

 Dưa hấu được cắt tỉa cầu kỳ, nhưng giá cả hơi đắt nên cũng không thu hút khách mua


 Cặp dưa PHÚC - LỘC - THỌ này nằm im trên giá đã nhiều ngày nay (cũng không thấy dưa héo đi khiến người mua thấy... nghi nghi)


Các gian hàng bán đồ trang trí ngày tết khá bắt mắt. Năm nay có nhiều mẫu mã đẹp mà giá cả cũng phải chăng

 Giữa không gian mua bán ồn ã đó, một cặp trai thanh gái lịch vẫn hồn nhiên chụp ảnh, ghi lại những khoảnh khắc tươi vui của ngày xuân. Tay máy này thật may mắn khi kiếm được mẫu đẹp,he,he...
Đèn lồng đỏ treo cao

Hoa tết Sài Gòn góp mặt tại chợ hoa xuân đất Cảng

Còn đây là quất cảnh đến từ vùng Văn Giang, Hưng Yên

Đào đá Sơn La lặn lội về xuôi kiếm tết

Một gian bán đào "đại hạ giá". Chưa có gì đảm bảo vụ đào Qúy Tỵ này sẽ có lãi. Nhưng dù sao thì mùa xuân cũng đã về trên mọi nẻo đường, góc phố, trong mỗi gia đình thân yêu của mỗi người. 
Khoa Sẹo chân thành chúc bạn bè một năm mới sức khỏe -hạnh phúc và thành công! 

Ảnh: Khoa Sẹo.


Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Văn khấn Ngày 23 tháng Chạp năm Nhâm Thìn



Những ngày tháng này, trong tiết trời se lạnh, mưa phùn lất phất, không khí tết đến xuân về đã bắt đầu làm cho lòng người nhiều xốn xang. Bắt đầu từ hôm nay, Khoa Sẹo post các bài vở đón tết vui xuân Qúy Tỵ - 2013 trên Blog này. Kính chúc bạn bè năm mới nhiều niềm vui hạnh phúc.
Mở đầu cho loạt bài Tết Qúy Tỵ, Khoa Sẹo trân trọng giới thiệu  Bản văn khấn Ngày 23 tháng Chạp – dùng trong Lễ cúng ông Táo chầu trời để anh em (đã có gia đình) tham khảo, nếu thấy được thì copy về dùng nhé. 


VĂN KHẤN NGÀY 23 THÁNG CHẠP

Nam mô a di đà Phật!

Cúi nghĩ: Trời thiêng ban phúc, rộng mở phương tiện chốn chân như, Táo phủ gieo duyên, độ khắp mọi nhà cõi thế, ba đường thấu triệt, chín cõi đều nghe. Một niệm tâm thành hào quang chói lọi, nén hương quyện tỏa, mười phương hiền thánh khắp hư không

Lòng thành khẩn thiết khuể thủ cung tôn: Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
Tín chủ chúng con là: …
Hiện đang ở tại: …
Nhân Ngày 23 tháng Chạp là ngày Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân hồi quy Thiên giới, bẩm cáo thiện ác ở nhân gian. Gia đình chúng con thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, cá chép phóng sinh, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến tôn thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh:

Chúng con thành tâm đỉnh lễ cung thỉnh:
Ngài Bản Gia Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
Ngài Bản Xứ Thổ Địa Phúc Đức Chính Thần – Tọa hạ
Ngài Ngũ Phương Long Mạch Tiền Hậu Địa Chủ Tiếp Dẫn Tài Thần – Tọa hạ
Ngài Đương Cai Bản Xứ Hậu Thổ Linh Kỳ Nguyên Quân Chúa Tể Tôn Thần – Tọa hạ
Cúi mong Qúy Ngài đồng giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật, tâm thành chúng con dâng lên
Phỏng theo lệ cũ, Ngài là vị chủ, ngũ tự gia thần, soi xét lòng trần, Táo Quân chứng giám, hôm nay về Trời, tấu bạch Ngọc Đế các việc thiện ác ở nhân gian.
Trong năm gia chung có nhiều sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Đức Ngài gia ân châm chước, ban lộc ban phúc, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái, từ thời vượng tướng, bát tiết hưng long, xuân đa cát khánh, hạ bảo bình an, thu tống tam tai, đông nghênh bách phúc
Lại nguyện: Trời cao giáng phúc, lưu mãi vô cùng, Táo phủ ban ơn, ơn giáng hoài hoài chẳng dứt, gia môn tốt đẹp, lớn nhỏ đều yên, gom tài của Đông Bắc Tây Nam, nạp lợi lạc XUÂN THU ĐÔNG HẠ, ngưỡng mong Phật thương giúp đỡ, Thánh Đức chở che, thảy các tai nạn đều được tiêu trừ, hằng sa phúc đức đều lai vân tập, thân thể khỏe mạnh, mạng vị bình an. Ngưỡng mong Đức Phật chứng minh, Thánh hiền soi xét!

Dãi tấm lòng thành, văn sớ kính dâng, cúi xin chứng giám!

Thiên vận Nhâm Thìn niên nạp nguyệt phúc sinh nhật gia quyến chúng con thành tâm khấu đầu kính dâng văn sơ!




Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Người nghèo ở đâu trong đêm tất niên?


Năm 2012 đã khép lại cùng với nhiều nỗi âu lo về kinh tế, ở mọi bình diện, không kể đó là miền đất nào trên trái đất này. Ở Việt Nam, lần đầu tiên, tăng trưởng kinh tế chỉ có 5,2%, với 5/15 chỉ tiêu quan trọng đặt ra từ đầu năm nhưng không đạt được, cho dù mọi người đã hết sức cố gắng. Cùng với đó là nợ công có chiều hướng gia tăng, bong bóng bất động sản bục vỡ, hàng tồn kho ứ đọng cả ngàn tỷ đồng, kéo theo hàng triệu người lao động mất việc làm hoặc phải làm những việc cho thu nhập không được như trước. Năm 2012, lần đầu tiên sau 12 năm, Chương trình “Nối vòng tay lớn”, vận động quyên góp ủng hộ người nghèo do Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam phát động đã không được tổ chức. Bác Huỳnh Đảm, Chủ tịch mặt trận bảo, thay vào đó thì sẽ có các cách ủng hộ người nghèo thiết thực và hiệu quả hơn, song ai cũng hiểu, xưa nay tầng lớp ủng hộ dân nghèo nhiều nhất là các doanh nghiệp thì bây giờ cũng gặp khó khăn chồng chất rồi. Đến nỗi, một giám đốc đã phải thốt lên “người lao động và người sử dụng lao động đã có tiếng nói chung, bởi giờ đây cả hai đều cùng là NGƯỜI NGHÈO”. Một giám đốc khác thì chua chát viết lên tường facebook của mình thế này: “Đời xuống dốc từ khi làm giám đốc!”
   Toét mắt chắc tại tại hướng đình, Hải Phòng cũng nằm trong guồng quay chung ấy, cũng có doanh nghiệp đóng mã số thuế, có lao động thất nghiệp, hàng hóa sản xuất ra bị đình đốn, kinh doanh bị ứ đọng do sức mua giảm, vân vân và vân vân… Cách đây vài năm, người ta đưa ra con số thống kê, toàn thành phố có 35.000 người nghèo. Không biết con số ấy giờ biến động thế nào, nhưng chắc chắn, “lực lượng” người nghèo trên địa bàn thành phố, kể cả diện nghèo thật lẫn diện cận nghèo, chắc chắn không phải là con số ít. Bối cảnh chung là như vậy, cuộc sống khó khăn, eo hẹp khiến cho ngay cả “người giàu cũng khóc” vì đất ế không bán được, hàng làm ra không tiêu thụ được, nợ nần không thanh toán được… huống hồ là người nghèo, có khi không đau vì quá đau!
   Bất ngờ, trong cái lạnh giá thấu xương của mùa đông miền Bắc, cái heo hắt của những số phận bấp bệnh sống bên lề xã hội, vẫn ngời sáng lên và vô cùng ấm áp một nghĩa cử đầy cao đẹp của một nhóm người trẻ, thậm chí quá trẻ, cùng có cái tên chung là “Mặc ấm Hải Phòng” – phát miễn phí những gói xôi nóng cho những người lang thang cơ nhỡ, trẻ em bất hạnh, phải tá túc đón giao thừa qua đêm ở góc chợ, đầu đường, hay dưới mái hiên nhà ai đó hoặc nằm co ro trong bệnh viện… 
   Sáng kiến phát xôi nóng làm cho Khoa nhớ lại, cách đây gần 100 năm, vào những năm 20, 30 của thế kỷ trước, trong xóm nhỏ tồi tàn ở ngõ Cấm, nhà văn trứ danh Nguyên Hồng đã viết về những gói xôi khúc “thơm ngậy gạo nếp, nóng bỏng môi đỗ xanh, béo nhờn mỡ phần” giá chỉ 1 xu mà ông vẫn ăn vội ăn vàng khi đến lớp học chữ quốc ngữ, để rồi cho ra đời những tác phẩm văn học trứ danh: Bỉ Vỏ, Những ngày thơ ấu, Bảy Hựu, Qua những màn tối, Quán Nải, Hai dòng sữa, Hơi thở tàn, Vực thẳm, Miếng bánh… luôn có chỗ đứng trong lòng người đọc Hải Phòng ở mọi thế hệ. Thứ quà dân dã ấy, từ tấm lòng của Mặc Ấm Hải Phòng rộng mở trong đêm tất niên 2012 đã làm ấm lòng những người cơ nhỡ, bất hạnh ở phố biển thân yêu… Không ấm lòng sao được khi trong cái đêm tất niên lạnh thấu xương ấy, từng đoàn bạn trẻ đã đi mọi góc đường, vỉa hè, ghế đá, công viên, nắm chặt tay, trao nắm xôi nóng cho những người nghèo cơ nhỡ. Không kể họ từng có hộ khẩu Hải Phòng hay là người từ bốn phương trời trôi dạt về phố biển… Những bạn trẻ Mặc Ấm Hải Phòng có thể chưa bao giờ biết lời phát động của bác Huỳnh Đảm, Chủ tịch MTTQ Việt Nam, chưa bao giờ đọc lời kêu gọi ủng hộ người nghèo của bác Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, nhưng họ sẵn sàng sẻ chia với người nghèo trong đêm tất niên giá buốt như tấm lòng tự nhiên của họ từ sinh ra đã như thế, để qua đó chúng ta cùng thấy được cái khí chất của người dân Hải Phòng vốn nghĩa hiệp, dũng hãn, sống hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu và vô cùng giàu lòng nhân ái!

Anh Khoa vô cùng hãnh diện và trân trọng khâm phục hành động cao đẹp của tất cả các em! 

Một số hình ảnh nhóm Mặc Ấm Hải Phòng phát xôi đêm tất niên 2012: 


Phát xôi nóng cho người cơ nhỡ ở khu vườn hoa trung tâm Hải Phòng


Bố con ông già mù nhận gói xôi đêm từ nhóm Mặc Ấm Hải Phòng


Biếu bà gói xôi để bà ấm lòng qua đêm ở vườn hoa Kim Đồng

Thành viên nhóm Mặc Ấm Hải Phòng giúp đỡ một thanh niên đau ốm trên đường Quang Trung

Gói xôi biếu cụ già cô đơn nằm bên hàng hiên Chợ Sắt lúc giao thừa

Bà cảm ơn các cháu! 

2 xuất xôi ấm áp trong đêm tất niên, chị nhé! 

Biếu bà, bà ăn ngay cho nóng nhé! 

2 bé Kim Chi - Ngọc Diệp giúp người nghèo đêm Noel